Saturday, May 28, 2016

6 ÁN LỆ ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM.

6 ÁN LỆ ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Ảnh nguồn: Internet
Bài viết dưới đây được trích nguyên văn từ bluentansy.com ( đây là một bài viết của Luật sư Ngoc Blue thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế )
Như vậy, sau nhiều năm mong đợi, cuối cùng Việt Nam đã có những án lệ chính thức đầu tiên. Chắc chắn việc áp dụng lần đầu tiên và mới mẻ vào thực tiễn xét xử sẽ còn nhiều vấn đề khó khăn cần khắc phục và hoàn thiện. Nhưng cũng rất hy vọng, việc áp dụng án lệ tại Việt Nam ngày càng phát triển một cách tích cực và các án lệ Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, góp phần xét xử các vụ án một cách nhanh chóng, khách quan và công bằng.
Ngày 06/4/2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã Công bố 06 (sáu) án lệ đã được thông qua. Các án lệ này sẽ được các Tòa án Việt Nam nghiên cứu, áp dụng trong xét xử kể từ ngày 01/6/2016. (Nội dung cụ thể trong Quyết định số 220/QĐ-CA của Tòa án nhân dân tối cao)
Sau đây là Danh mục 6 án lệ đầu tiên (ban hành kèm theo Quyết định 220/QĐ-CA)
Vì nội dung rất dài nên tôi sẽ trích dẫn một cách tóm tắt 6 án lệ trong bài viết này, nội dung đầy đủ tôi sẽ cập nhật trên trang web để tiện theo dõi và tìm kiếm.
Các án lệ này được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.


1. Án lệ số 01/2016/AL
(Xem bản đầy đủ của án lệ 01/2016 tại ĐÂY)
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 04/2014/HS-GĐT ngày 16-4-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Giết người” đối với bị cáo: Đồng Xuân Phương, sinh năm 1975; trú tại nhà số 11/73 phố Đinh Tiên Hoàng, Phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng; là công nhân xây dựng; con ông Đồng Xuân Chì và bà Dương Thị Thông; bị bắt giam ngày 22-6-2007;
Người bị hại: Nguyễn Văn Soi, sinh năm 1971 (đã chết).
Khái quát nội dung của án lệ:
Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:– Điểm m, n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật hình sự năm 1999;
– Khoản 3 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999.
Từ khóa của án lệ:
“Giết người”; “Cố ý gây thương tích”; “Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”; “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe”; “Thuê người khác gây thương tích”.
2. Án lệ số 02/2016/AL
(Xem bản đầy đủ của án lệ 02/2016 tại ĐÂY)
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT ngày 08-7-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Sóc Trăng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thảnh với bị đơn là ông Nguyễn Văn Tám; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Yêm.
Khái quát nội dung của án lệ:
Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
Điều 137 và Điều 235 của Bộ luật dân sự năm 2005.
Từ khóa của án lệ:
“Giao dịch dân sự vô hiệu”; “Đòi lại tài sản”; “Căn cứ xác lập quyền sở hữu”; “Xác lập quyền sở hữu đối với lợi tức”; “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
3. Án lệ số 03/2016/AL
(Xem bản đầy đủ của án lệ 03/2016 tại ĐÂY)
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 03-5-2013 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Ly hôn” tại Hà Nội giữa nguyên đơn là chị Đỗ Thị Hồng với bị đơn là anh Phạm Gia Nam; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Gia Phác, bà Phùng Thị Tài, anh Phạm Gia Ơn, chị Phạm Thị Lữ, anh Bùi Văn Đáp, chị Đỗ Thị Ngọc Hà.
Khái quát nội dung của án lệ:
Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
– Điều 14 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986;
– Điều 242 của Bộ luật dân sự năm 1995;
– Khoản 2 Điều 176 của Bộ luật dân sự năm 1995.
Từ khóa của án lệ:
“Ly hôn”; “Tài sản chung của vợ chồng”; “Tặng cho tài sản”; “Căn cứ xác lập quyền sở hữu”; “Xác lập quyền sở hữu theo thỏa thuận”.
4. Án lệ số 04/2016/AL
(Đang cập nhật bản đầy đủ)
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 04/2010/QĐ-HĐTP ngày 03-3-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại thành phố Hà Nội giữa nguyên đơn là bà Kiều Thị Tý, ông Chu Văn Tiến với bị đơn là ông Lê Văn Ngự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Quý, bà Trần Thị Phấn, anh Lê Văn Tám, chị Lê Thị Tường, anh Lê Đức Lợi, chị Lê Thị Đường, anh Lê Mạnh Hải, chị Lê Thị Nhâm.
Khái quát nội dung của án lệ:
Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
– Khoản 2 Điều 176 của Bộ luật dân sự năm 1995;
– Điều 15 của Luật hôn nhân và gia đình năm 1986.
Từ khóa của án lệ:
“Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “Định đoạt tài sản chung của vợ chồng”; “Xác lập quyền sở hữu theo thỏa thuận”.
5. Án lệ số 05/2016/AL
(Đang cập nhật bản đầy đủ)
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 09-10-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” tại Thành phố Hồ Chí Minh giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thưởng, bà Nguyễn Thị Xuân với bị đơn là ông Nguyễn Chí Trải (Cesar Trai Nguyen), chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, bà Nguyễn Thị Bích Đào; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Nguyễn Thị Xê, Nguyễn Chí Đạt (Danforth Chi Nguyen), Nguyễn Thuần Lý, Nguyễn Thị Trinh, Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Thị Thúy Loan, Phạm Thị Liên, Phạm Thị Vui, Trần Đức Thuận, Trần Thành Khang.
Khái quát nội dung của án lệ:
Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế; nếu Tòa án quyết định việc chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp của họ vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
Khoản 1 Điều 5 và Điều 218 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004;
Từ khóa của án lệ:
“Yêu cầu khởi kiện”; “Yêu cầu phản tố”; “Công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế”.
6. Án lệ số 06/2016/AL
(Đang cập nhật bản đầy đủ)
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 100/2013/GĐT-DS ngày 12-8-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp thừa kế” tại Hà Nội, giữa nguyên đơn là ông Vũ Đình Hưng với bị đơn là bà Vũ Thị Tiến (tức Hiền), bà Vũ Thị Hậu; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các ông, bà Vũ Đình Đường, Vũ Thị Cẩm, Vũ Thị Thảo, Nguyễn Thị Kim Oanh, Hà Thùy Linh.
Khái quát nội dung của án lệ:
Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
– Điều 93; điểm đ khoản 1 Điều 168 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004;
– Điều 676 và 685 của Bộ luật dân sự năm 2005.
Từ khóa của án lệ:
“Tranh chấp di sản thừa kế”; “Người thừa kế ở nước ngoài chưa rõ địa chỉ”; “Ủy thác tư pháp”; “Phân chia di sản”; “Quản lý di sản”.

Như vậy, sau nhiều năm mong đợi, cuối cùng Việt Nam đã có những án lệ chính thức đầu tiên. Chắc chắn việc áp dụng lần đầu tiên và mới mẻ vào thực tiễn xét xử sẽ còn nhiều vấn đề khó khăn cần khắc phục và hoàn thiện. Nhưng cũng rất hy vọng, việc áp dụng án lệ tại Việt Nam ngày càng phát triển một cách tích cực và các án lệ Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, góp phần xét xử các vụ án một cách nhanh chóng, khách quan và công bằng.

Nguồn: http://bluentansy.com/6-an-le-dau-tien-cua-viet-nam

Bài viết phổ biến