Thi hành án là một trong những hoạt động thể hiện sự nghiêm minh của Pháp luật, tính uy nghiêm của Nhà nước. Hoạt động thi hành án là hoạt động đưa các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế.
Bản án, quyết định của Tòa án nhân danh Nhà nước khi được chấp hành nghiêm chỉnh có tác động trực tiếp đến lòng tin của nhân dân đối với pháp luật. Vì vậy, hoạt động thi hành án có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ vững kỷ cương phép nước, củng cố pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho quyền lực tư pháp được thực thi trên thực tế.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngoài chức năng của cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thì cơ quan THADS giữ một vai trò đặc biệt và là một mắt xích không thể thiếu của quá trình tố tụng. Mọi phán quyết của Tòa án chỉ là những quyết định trên giấy và không thể phát huy hết hiệu quả trên thực tế nếu không được thi hành đúng và đầy đủ nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
Trong điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay, khi nước ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vô số các quan hệne-height: 130%"> giao dịch được phát sinh dẫn đến các tranh chấp cũng nhiều hơn, số lượng công việc mà các cơ quan Tư pháp phải giải quyết vì thế cũng ngày càng tăng, và tính chất cũng phức tạp hơn. Đòi hỏi tất yếu đặt ra là các cơ quan Tư pháp nói chung và cơ quan THADS nói riêng phải hoạt động sao cho đạt hiệu quả cao nhất nhằm đảm bảo pháp luật được thực thi, xây dựng pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Hiến pháp 1992 khẳng định: "Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành".
Đó là một qui tắc Hiến định, có tính bắt buộc: “những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án ban hành”. Tuy nhiên, Khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự lại quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án như sau: “Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này.”.Cụ thể thời hiệu yêu cầu thi hành án được qui định là 05 năm, kể từ ngày bản án quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật (Theo điều 30 Luật Thi hành án dân sự). Nếu hết thời hiệu 05 năm người có quyền yêu cầu thi hành án mất quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Toà án.
Như vậy, trong trường hợp hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì người có quyền không còn quyền yêu cầu thi hành bản án quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án nữa. Các bản án, quyết định đó của Toà án chỉ tồn tại trên bình diện giấy tờ đơn thuần (đặc biệt là đối với các bản án dân sự), các phán quyết của Toà án điều không được thi hành. Điều này, làm mất đi tính uy nghiêm của pháp luật, không có tính chất bắt buộc mọi người và cơ quan hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành như qui định của Hiến pháp nữa. Vậy, việc qui định thời hiệu yêu cầu thi hành án có vi Hiến?
Theo quan điểm cá nhân của tác giả, việc qui định thời hiệu yêu cầu thi hành án là vi phạm Hiến pháp bởi lẽ, theo qui định của Hiến pháp: "Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành". Sự tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành của người, tổ chức, đơn vị hữu quan được thể hiện dưới hình thức: nếu họ không tự nguyện chấp hành những phán quyết của Toà án thì phải bị cưỡng chế theo qui định của pháp luật.
Đối với qui định về thời hiệu yêu cầu thi hành án thì lại qui định thời hạn để đưa bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án ra thi hành trên thực tế, nếu hết thời hạn đó người có quyền không yêu cầu thì xem như mất quyền; và bản án, quyết định đó sẽ không được thi hành trên thực tế. Mặt khác, nếu vì người có quyền “quên” thực hiện quyền của mình trong thời hạn luật định mà tước đi quyền của họ là không công bằng đối với họ vì: trong trường hợp người được thi hành án không làm đơn yêu cầu thi hành án không nộp đơn yêu cầu thi hành án thì người phải thi hành án có quyền nộp đơn yêu cầu thi hành án để tự nguyện thi hành án, thể hiện sự nghiêm chỉnh chấp hành đối với bản án, quyết định của Toà án nhưng họ lại không “dại dột tự nguyện” mà để mặc hết thời hiệu để họ không thi hành bản án, quyết định của Toà án. Điều này, thể hiện sự chấp hành chưa nghiêm của người thi hành án và đã vi phạm Hiến Pháp.
Do đó, theo quan điểm của cá nhân tác giả, thì quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án của Luật Thi hành án đã vi phạm Hiến Pháp và cần được bãi bỏ.
Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong quí bạn đọc góp ý!
Huỳnh Minh Khánh
Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang
(tdkt.toaan.gov.vn)