Friday, July 15, 2016

Chuyên đề thư ký tòa án: Kỹ năng cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng

Chuyên đề: Kỹ năng cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng

I. KỸ NĂNG CẤP, TỐNG ĐẠT, THÔNG BÁO VĂN BẢN TỐ TỤNG DÂN SỰ VÀ HÀNH CHÍNH
Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính cơ bản giống nhau về trình tự, thủ tục thực hiện, vì vậy phạm vi chuyên đề này trình bày các quy định về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của BLTTDS. Hay nói cách khác kỹ năng cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự cũng là kỹ năng chung của việc cấp, tống dạt, thông báo văn bản tố tụng hành chính.
Kỹ năng là năng lực, kỹ thuật thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự.
1. Quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng
1.1. Nghĩa vụ của các cơ quan và những người tham gia vào quá trình cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng
* Các cơ quan có nghĩa vụ:
- Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định các cơ quan sau có nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng:
+ Toà án;
+ Viện kiểm sát;
+ Cơ quan thi hành án.
* Những người tham gia vào quá trình cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng:
Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định những người sau đây tham gia vào quá trình cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.
- Người tiến hành tố tụng của cơ quan ban hành văn bản tố tụng được giao nhiệm vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng:
+ Văn bản tố tụng bao giờ cũng gắn liền với một vụ án cụ thể thuộc trình tự, thẩm quyền cơ quan đó đang giải quyết.
+ Ở Toà án, người có thẩm quyền ký ban hành các văn bản tố tụng chỉ có thể là Thẩm phán, Chánh án, Phó Chánh án hoặc của Hội đồng xét xử.
+ Người được giao nhiệm vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng đó là Thư ký Toà án và là một trong những nhiệm vụ chủ yếu thường xuyên của Thư ký Toà án (khi tiện hoặc cần thiết Thẩm phán cũng có thể trực tiếp cấp tống đạt...).
- UBND cấp xã nơi người tham gia tố tụng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc khi Toà án có yêu cầu (Điều 22 Bộ luật Tố tụng dân sự):
+ Một số trường hợp việc không thể cấp tống đạt thông báo văn bản tố tụng trực tiếp cho đương sự được. Hoặc gửi qua đường bưu điện không có kết quả, thì Toà án gửi các văn bản tố tụng cho các cơ quan đó yêu cầu tống đạt và gửi kết quả (giao) cho Toà án.
- Đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong những trường hợp do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định.
Khi vụ án có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền lợi... Toà án có thể giao trực tiếp các loại văn bản tố tụng để họ về giao lại cho đương sự. Khi giao Toà án phải lập biên bản và yêu cầu họ thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ.
- Nhân viên bưu điện: Toà án gửi cho bưu điện để họ thực hiện
- Những người khác mà do pháp luật quy định. Ví dụ: người thân thích của đương sự được Toà án giao theo K2 Điều 152.
1.2. Các loại văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt, thông báo
* Theo liệt kê tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự:
- Bản án, quyết định của Toà án;
- Đơn khởi kiện, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị;
- Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự;
- Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí và các chi phí khác;
- Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định.
* Một số loại văn bản tố tụng phổ biến cụ thể:
- Các loại quyết định: Quyết định tạm đình chỉ, Quyết định đình chỉ, Quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự, quyết định xem xét tại chỗ, quyết định thay đổi áp dụng, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời...
- Các loại thông báo: thông báo thụ lý, thông báo hoà giải, thông báo kháng cáo hoặc kháng nghị...
- Giấy triệu tập đương sự: triệu tập lấy lời khai, triệu tập đến phiên toà xét xử...
- Giấy mời: mời Hội thẩm nhân dân, mời Kiểm sát viên tham gia phiên toà (nếu có)
Lưu ý:
+ Đa số các loại văn bản đều có mẫu do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành kèm theo các Nghị quyết.
+ Cần phân biệt các đối tượng để sử dụng giấy triệu tập hoặc giấy mời cho đúng.
1.3. Phương thức, thủ tục và tính hợp lệ của việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng
* Các phương thức theo Điều 149 Bộ luật Tố tụng dân sự có các phương thức sau:
- Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp;
- Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua bưu điện;
- Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua người thứ ba được uỷ quyền;
- Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng niêm yết công khai;
- Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thông báo phương tiện thông tin.
* Tính hợp lệ của việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng
- Thực hiện theo đúng thủ tục cho từng trường hợp cụ thể đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự được coi là hợp lệ;
- Người có nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải thực hiện đúng quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Người có nghĩa vụ thi hành các văn bản được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng hợp lệ thì phải nghiêm chỉnh thi hành.
* Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng:
Phần này là nội dung trọng tâm. Nếu việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng không đúng thủ tục quy định sẽ không được coi là hợp lệ. Khi không hợp lệ thì ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, hiệu quả và chất lượng giải quyết vụ án. Yêu cầu Thư ký Toà án phải nắm vững thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng để thực hiện.
- Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp:
Về quy định chung của việc cấp,tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp:
Tại điều 151 Bộ luật Tố tụng dân sự xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của người thực hiện việc cấp tống đạt, đồng thời cũng quy định rõ nghĩa vụ của người được nhận văn bản tố tụng.
Bộ luật Tố tụng dân sự cũng đã phân việc cấp tống đạt trực tiếp thành 2 đối tượng:
Điều 152 cấp tống đạt trực tiếp cho cá nhân.
Điều 153 cấp tống đạt trực tiếp cho cơ quan tổ chức.
+ Thư ký Toà án được giao nhiệm vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho bất kỳ đương sự nào thì phải chuyển giao trực tiếp cho người được cấp, được nhận các văn bản tố tụng.
+ Phải lập biên bản giao nhận và yêu cầu người nhận ký nhận.
+ Thời điểm ký nhận là căn cứ để tính thời hạn tố tụng.
Việc giao nhận trực tiếp các loại văn bản tố tụng cho đương sự là thủ tục đem lại hiệu quả cao nhất cho quá trình giải quyết vụ án. Đảm bản nhanh, chính xác, kịp thời không bị khiếu nại và không bị huỷ án vì lý do này. Nên thường Thư ký Toà án ở các thành phố thị xã chọn thủ tục này.
Có hai cách thức tiến hành việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng:
(1) Một là: Triệu tập đương sự đến Toà án để giao (Nếu đương sự không đến thì cần có giải pháp kịp thời để bảo đảm thời hạn tố tụng thuộc trường hợp phải xác định thời hạn tố tụng nhất định).
(2) Hai là: Đến nơi cư trú của người nhận để giao văn bản tố tụng
- Trường hợp (2) có một số tình huống xảy ra cần chú ý như sau:
+ Nếu người được nhận văn bản tố tụng vắng mặt thì có thể giao cho người thân thích của họ (có đủ năng lực hành vi dân sự và cùng cư trú trong gia đình) và yêu cầu họ cam kết giao lại tận tay cho người được cấp. Ngày ký của họ được coi là ngày cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.
+ Trường hợp vắng mặt mà không có người thân thích đủ năng lực hành vi cùng cư trú hoặc có nhưng họ không chịu nhận thì có thể chuyển giao văn bản tố tụng đó cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum (gọi chung là tổ trưởng tổ dân phố), UBND, CA xã, phường, thị trấn... nơi người đó cư trú và cũng yêu cầu những người này có trách nhiệm giao tận tay các văn bản tố tụng đó cho người được nhận.
+ Đối với các trường hợp thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua người khác như hai tình huống trên thì trong biên bản giao nhận phải ghi đầy đủ các tiêu chí, thông tin như khoản 3 Điều 152 quy định.
- Ngoài ra còn một số tình huống khác như:
+ Người được nhận văn bản tố tụng đã chuyển đi nơi ở mới thì phải đến nơi ở mới để thực hiện việc giao (Nếu xác định được nơi cư trú mới).
+ Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc đã đi nơi khác không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản về việc không giao nhận được văn bản tố tụng có chữ ký của người cung cấp thông tin.
+ Trường hợp người được cấp từ chối nhận thì phải lập biên bản nêu rõ lý do từ chối có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, UBND, Công an xã phường về việc người đó từ chối.
+ Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng chết thì cần lập biên bản xác nhận thông tin để xử lý theo các trường hợp quy định tại các Điều 189, 192 Bộ luật Tố tụng dân sự hay tiếp tục giải quyết vụ án.
- Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp cho cơ quan, tổ chức (Điều 153 Bộ luật Tố tụng dân sự):
+ Phải cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho người đại diện theo pháp luật của cơ quan tổ chức.
+ Nếu đã cử đại diện uỷ quyền thì tống đạt cho người này.
+ Cũng có thể giao trực tiếp cho người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức (ví dụ như văn thư).
Dù đối với người nào theo quy định trên cũng được xác định là cấp tống đạt hoặc thông báo trực tiếp và phải lập biên bản có chữ ký của người nhận.
- Thủ tục niêm yết công khai (Điều 154)
* Điều kiện thực hiện thủ tục niêm yết công khai là:
+ Phải không rõ tung tích của người được cấp;
+ Không thể thực hiện việc cấp trực tiếp.
Những trường hợp nào được coi là không thể thực hiện việc cấp tống đạt trực tiếp để thực hiện niêm yết đến nay chưa được hướng dẫn. Vì thế đã áp dụng hoặc hiểu không đúng quy định này.
* Việc niêm yết công khai: Có thể do Toà án trực tiếp thực hiện, có thể uỷ quyền cho UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú cuối cùng theo thủ tục sau:
+ Niêm yết bản chính tại trụ sở Toà án, UBND cấp xã, phường, thị trấn;
+ Niêm yết bản sao tại nơi cư trú;
+ Lập biên bản về việc niêm yết công khai.
Vấn đề đặt ra: Việc lập biên bản bao giờ cũng có chữ ký của người lập và người khác ký (có thể là người chứng kiến, người nhận...) Trường hợp niêm yết tại trụ sở Toà án có cần lập biên bản riêng không và ai tham gia ký biên bản nếu có.
+ Có ý kiến cho rằng Thư ký Toà án niêm yết lập biên bản mời bảo vệ cơ quan Toà án hoặc Chánh văn phòng ký;
+ Có ý kiến cho rằng việc niêm yết tại cơ quan Toà án là một bộ phận không tách rời với các văn bản niêm yết tại các nơi khác và có lập biên bản niêm yết tại trụ sở Toà án thì cũng là hình thức.
Do đó ở trụ sở Toà án chỉ cần niêm yết là đủ mà không cần lập biên bản niêm yết.
* Lưu ý: Đối với trường hợp niêm yết quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc quyết định nào đó mà có xác định thời hạn để tiến hành hoạt động tố tụng tiếp theo thì phải bảo đảm sau 15 ngày kể từ ngày niêm yết mới thực hiện quyết định đó. Vì vậy, trong biên bản niêm yết phải ghi đúng, đầy đủ ngày, tháng, năm niêm yết. Trên thực tế đã có trường hợp mới niêm yết 10 ngày đã đưa vụ án ra xử nên đương sự đã khiếu nại và phải huỷ án.
- Thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (Điều 155 Bộ luật Tố tụng dân sự)
Điều kiện: Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi:
+ Pháp luật có quy định;
+ Có căn cứ xác định rằng việc niêm yết công khai không đảm bảo;
+ Nếu có yêu cầu của đương sự khác (lệ phí do người yêu cầu chịu).
Thủ tục:
+ Đăng trên báo hàng ngày của Trung ương trong 03 số liên tiếp;
+ Và phát sóng trên đài phát thanh hoặc đài truyền hình của Trung ương 03 lần trong 03 ngày liên tiếp.
- Thông báo kết quả việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng:
+ Điều 156 Bộ luật Tố tụng quy định người được toà án giao hoặc uỷ quyền việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thì có trách nhiệm thông báo ngay kết quả thực hiện cho Toà án hoặc người giao, uỷ quyền.
+ Ngược lại người được giao cũng phải theo dõi đôn đốc nhận kết quả để có căn cứ giải quyết đúng pháp luật.
Tại chương VII Luật tố tụng hành chính quy định về nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, người thực hiện, các phương thức thực hiện, tính hợp lệ và thủ tục…tương tự như quy định trên của BLTTDS.
2. Kỹ năng cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng
Để thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng đúng thủ tục, hợp lệ, có hiệu quả, đòi hỏi Thư ký Toà án phải có những kỹ năng nhất định.
2.1. Năng lực nhận định, phán đoán, nắm bắt các tình huống cụ thể để lựa chọn phương thức, thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng
Khi được giao nhiệm vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, trước hết người Thư ký Toà án phải xác định đó là loại văn bản tố tụng gì? Tính quan trọng, cấp thiết của văn bản đó; thời hạn cho người nhận thực hiện nội dung yêu cầu; đối tượng người được nhận ở đâu? ý thức chấp hành, thực hiện yêu cầu của Toà án như thế nào vv...? Trên cơ sở đó chọn lựa phương thức, cách thức cấp, tống đạt cho phù hợp.
Sau đó, báo cáo hoặc đề xuất với người giao thống nhất việc chọn phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.
2.2. Công tác chuẩn bị cho việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng:
Công tác chuẩn bị có thể nói là vô cùng quan trọng vì trên thực tế cũng như theo rút kinh nghiệm trong cuộc sống thì tất cả những việc mà ta không chuẩn bị là ta đang chuẩn bị nhận lấy một kết quả thất bại.
Mỗi một phương thức chuyển giao văn bản tố tụng khác nhau, trình tự thủ tục cũng khác nhau, công tác chuẩn bị cũng khác nhau. Có phương thức, cách thức đòi hỏi việc chuẩn bị phức tạp, cần có thời gian thực hiện; cũng có phương thức, cách thức không tốn nhiều thời gian chuẩn bị.
Ví dụ:
- Việc chuyển giao qua bưu điện thì có thể giao cho văn thư cơ quan thực hiện;
- Chuyển trực tiếp tại Toà thì triệu tập đến giao nhận;
- Chuyển trực tiếp tại nơi ở thì phải bố trí thời gian đi, chuẩn bị công tác phối hợp với địa phương.
Một số nội dung cần nắm vững:
- Rà soát kiểm tra những sai sót trong văn bản tố tụng được chuyển giao để yêu cầu người ký ban hành văn bản tố tụng đó sửa chữa kịp thời;
- Chuẩn bị tài liệu, biên bản giao nhận hoặc sổ giao nhận và thẻ công chức;
- Chuẩn bị trong phối hợp: nếu đi đến nơi cư trú để chuyển giao cần liên hệ trước với chính quyền địa phương hoặc tổ dân phố để mời tham gia chứng kiến cũng như một số trường hợp cần phải đảm bảo sự khách quan, hợp lệ của việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng.
2.3. Thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng:
Khi chọn phương thức nào thì thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải tuân theo đúng, đầy đủ trình tự của thủ tục đó mà Bộ luật Tố tụng dân sự cũng như Luật tố tụng hành chính đó quy định. Việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng có không đúng trình tự thủ tục được coi là không hợp lệ và là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
3. Cấp, tống đạt văn bản tố tụng trong vụ án có yếu tố nước ngoài
Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng vụ án dân sự, có yếu tố nước ngoài mà những nước đó có ký kết điều ước quốc tế hoặc áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam thì thực hiện theo Thông tư liên tịch số 15/2011/theo-BTP-BNG-TANDTC về uỷ thác tư pháp.
Trong trường hợp vụ việc dân sự không thể thực hiện được việc uỷ thác tư pháp do Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế hoặc không áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì Toà án vẫn lập hồ sơ uỷ thác tư pháp và Thư ký thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo thủ tục sau:
- Niêm yết công khai hồ sơ uỷ thác tư pháp tại trụ sở Toà án, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của đương sự được uỷ thác tư pháp trong thời hạn 06 tháng.
- Và đăng báo hàng của trung ương 03 số liên tiếp;
- Và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương, kênh dành cho người nước ngoài ba lần trong 03 ngày liên tiếp.
Khi thực hiện đúng thủ tục này và hết thời hạn trên thì việc giải quyết vụ án mới được coi là thủ tục cấp, tống, đạt văn bản tố tụng hợp lệ.
4. Những bài học kinh nghiệm:
- Chuẩn bị chưa tốt: có Thư ký Toà án chủ quan thiếu chuẩn bị trước hoặc nắm không kỹ quy định hoặc không lường trước được những tình huống có thể xảy ra nên khi đi không phối hợp với địa phương hoặc mời tổ dân phố. Đến nơi gặp tình huống phát sinh mới đi liên hệ. Có trường hợp đi về mà không giao được các văn bản tố tụng cần tống đạt.
- Thực hiện vượt quá yêu cầu bị khiếu nại: ví dụ có Thư ký Toà án đi tống đạt quyết định đình chỉ vụ án do phát hiện hết thời hiệu khởi kiện. Khi tống đạt lại hướng dẫn đương sự viết đơn xin rút đơn khởi kiện. Sau này đương sự khiếu nại hành vi đó của Thư ký Toà án. Toà án giải quyết khiếu nại, xem lại hồ sơ lưu có biên bản tống đạt, quyết định đình chỉ và trong hồ sơ này có đơn xin rút đơn khởi kiện sau ngày ra quyết định (mà không có biên bản nhận đơn theo hình thức nào).
- Thực hiện thủ tục tống đạt chưa hợp lệ dẫn đến bị huỷ án hoặc huỷ quyết định.
- Nội dung văn bản chuyển giao không được rà soát trước. Ví dụ: giấy triệu tập đương sự vào ngày thứ 7, chủ nhật, trong khi đơn vị đó không làm việc vào các ngày này.
Hiện nay, vẫn còn nhiều Thư ký Toà án ở các Toà án địa phương thực hiện việc giao văn bản tố tụng không đúng mẫu, không đúng thời hạn, không đúng đối tượng …nên Viện kiểm sát thường có nhiều văn bản kiến nghị về sự vi phạm tố tụng của Toà án để yêu cầu khắc phục.
II. KỸ NĂNG CẤP, TỐNG ĐẠT, THÔNG BÁO VĂN BẢN TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1. Một số vấn đề chung
- Trong Bộ luật tố tụng hình sự không có chương riêng quy định về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng như Bộ luật tố tụng dân sự. Điều này không có nghĩa rằng trong tố tụng hình sự không có quy định thủ tục cấp tống đạt thông báo văn bản tố tụng.
- Về nguyên tắc, cơ quan tiến hành tố tụng ban hành loại văn bản tố tụng nào mà pháp luật quy định phải được giao cho từng đối tượng cụ thể thì phải thực hiện việc cấp tống đạt cho đối tượng đó.
- Về phương thức, thủ tục thực hiện cũng giống như quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, trừ việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng hình sự cho bị can, bị cáo có những biện pháp chế tài mạnh hơn được quy định tương ứng tại các điều 182, 187 Bộ luật Tố tụng hình sự
- Về đặc điểm, đối tượng được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng hình sự khác với dân sự:
+ Tính đa dạng của chủ thể được nhận;
+ Có tính mệnh lệnh cưỡng chế;
+ Thái độ chấp hành tốt hơn.
- Nhiệm vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng hình sự cũng là nhiệm vụ chủ yếu của Thư ký Toà án khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự.
2. Một số quy định cụ thể về các loại văn bản tố tụng cấp, tống đạt, đối tượng nhận
- Việc giao các quyết định của Toà án Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
+ Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa, chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên toà.
Trong trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thì quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản cáo trạng được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo; quyết định đưa vụ án ra xét xử còn phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo.
Về thủ tục niêm yết: Việc niêm yết phải tiến hành lập biên bản và niêm yết văn bản tố tụng tại nơi cư trú của người được nhận văn bản mà không thể giao được.
+ Quyết định tạm đình chỉ hoặc quyết định đình chỉ vụ án của Toà án phải được giao cho bị can, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo; những người khác tham tố tụng thì được gửi giấy báo.
+ Quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ vụ án phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
+ Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn phải được gửi ngay cho bị can, bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, trại tạm giam nơi bị can, bị cáo đang bị tạm giam.
Quyết định áp dụng thay đổi huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn phải gửi ngay cho bị can, bị cáo, Viện kiểm sát và trại tạm giam
Ngoài những loại quyết định cụ thể trên, trong Bộ luật Tố tụng hình sự còn có những loại quyết định ban hành theo tình huống như: quyết định hoãn phiên toà, quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung tại phiên toà, quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án (Điều 228), quyết định trưng cầu giám định, quyết định bắt buộc chữa bệnh, quyết định áp giải bị can tại ngoại theo Điều 130 Bộ luật Tố tụng hình sự vv...thì tất cả các văn bản tố tụng đó đều phải thực hiện cấp, tống đạt thông báo cho các đối tượng trong Quyết định thực hiện, các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan để theo dõi và người tham gia tố tụng khác biết để họ thực hiện các quyền của mình.
- Tống đạt các giấy triệu tập đến phiên toà (Điều 183)
- Cấp, giao bản án Điều 229.
3. Đối với vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài.
Đối với vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, thì việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
4. Kỹ năng cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng hình sự
Để thực hiện tốt việc cấp, tống đạt các văn bản tố tụng hình sự đòi hỏi Thư ký Toà án cũng phải có kỹ năng như yêu cầu đối với việc cấp, tống đạt các văn bản tố tụng dân sự. Cần nắm vững các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để cấp tống đạt đúng thủ tục, đảm bảo thời hạn tố tụng, đúng và đầy đủ các đối tượng được cấp, tống đạt văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Kết luận: Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng là hoạt động tố tụng có ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và thời hạn tố tụng giải quyết vụ việc dân sự. Đòi hỏi Thư ký Toà án phải đề cao trách nhiệm, nắm vững các quy định của pháp luật và có kỹ năng thực hiện thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài viết phổ biến