Wednesday, June 1, 2016

THI HÀNH ÁN DÂN SỰ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

* QUYỀN YÊU CẦU THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 
Quyền yêu cầu thi hành án là quyền của đương sự (không chỉ người được thi hành án mà cả người phải thi hành án) yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định được đưa ra thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Người được thi hành án cần lưu ý rằng có bản án, quyết định mà Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tuyên mình là người được hưởng quyền và lợi ích không đồng nghĩa với việc cơ quan có thẩm quyền sẽ tự động đưa bản án, quyết định đó ra thi hành. Bởi bản án, quyết định thuộc diện được đưa ra thi hành có nhiều nội dung khác nhau về quyền, nghĩa vụ của các bên đương sự (cá nhân, pháp nhân) đối với nhau, đối với người khác hoặc đối với nhà nước, và cách thức xử lý đối với các tài sản, vật chứng có liên quan đến từng vụ việc cụ thể như tịch thu, tiêu hủy, trả lại cho đương sự hoặc chủ sở hữu hợp pháp…Trong số những nội dung của bản án, quyết định thuộc diện trên, Luật Thi hành án dân sự phân biệt những loại việc thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành án để tổ chức thi hành và những loại việc cơ quan thi hành án dân sự chỉ được đưa ra thi hành khi có đơn yêu cầu thi hành án của đương sự.
Vậy, những nội dung nào của bản án, quyết định chỉ được đưa ra thi hành khi có đơn yêu cầu thi hành án của đương sự?
Theo quy định tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự thì những loại việc do cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án để tổ chức thi hành là các loại việc sau đây:
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;
b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;
d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Như vậy, trong một bản án, quyết định, nếu có những nội dung trên thì được cơ quan thi hành án tự mình đưa ra thi hành, những nội dung còn lại mà liên quan đến đương sự thì đương sự phải làm đơn mới được đưa ra thi hành. Các nội dung đó rất đa dạng, từ việc thanh toán tiền, trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, tiền cấp dưỡng, đến buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc, buộc thực hiện hành vi nhất định…
Điều này xuất phát từ nhận thức rằng, giai đoạn xét xử và giai đoạn thi hành án là hai giai đoạn riêng rẽ, mỗi giai đoạn có những nhiệm vụ riêng. Việc Toà án, cơ quan có thẩm quyền công nhận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án được thể hiện bằng phán quyết thông qua hình thức bàn án, quyết định. Tuy nhiên, có trong tay bản án, quyết định, người thắng kiện hoặc người được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp theo bản án, quyết định hoàn toàn có quyền quyết định việc có làm đơn yêu cầu thi hành án hay không, yêu cầu thi hành vào thời điểm nào, yêu cầu thi hành những gì, đã có những thoả thuận gì với bên phải thi hành án, đã thi hành với nhau được những gì… Do đó, pháp luật dành quyền quyết định cho người được thi hành án thể hiện ý chí của mình bằng việc yêu cầu thi hành án.

*Thời hiệu yêu cầu thi hành án 
Theo Điều 30, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Người được thi hành án có nhất thiết phải là người trực tiếp yêu cầu THA?
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự thì :
Trường hợp đương sự là người chưa thành niên, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc đương sự là pháp nhân thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của đương sự.
Trường hợp đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc là người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người giám hộ.
Trường hợp đương sự có uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người được uỷ quyền.
Cơ quan nào có thẩm quyền thi hành án dân sự?
Thẩm quyền thi hành án dân sự thuộc về cơ quan thi hành án cấp tỉnh, cơ quan thi hành án cấp huyện. Hiện nay cơ quan thi hành án cấp huyện là Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Cơ quan thi hành án cấp tỉnh là Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi người được thi hành án gửi đơn yêu cầu thi hành án, đơn đề nghị xác minh điều kiện thi hành án đến Chi cục Thi hành án dân sự, Chi cục đã nhận đơn yêu cầu thi hành án thì Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án ra quyết định thi hành án trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sau đó phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc.
Chấp hành viên sẽ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án. Trên cơ sở kết quả xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên sẽ giải quyết việc thi hành án theo quy định của pháp luật. Nếu người phải thi hành án có tài sản mà không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự quy định tại Điều 72 Luật Thi hành án dân sự.

*KHIẾU NẠI VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Theo quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo “khiếu nại về thi hành án dân sự là việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án đề nghị xem xét lại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của chính họ”
Theo thống kê trên toàn quốc, khiếu nại về khi hành án dân sự thường tập trung vào các nội dung sau:
- Chậm ra quyết định thi hành án;
- Chậm tổ chức thi hành án;
- Không tổ chức thi hành án dứt điểm mặc dù người phải thi hành án có điều kiện thi hành.
- Kê biên tài sản sai đối tượng;
- Kê biên tài sản đã được thế chấp hợp pháp (nguyên nhân chính là do Chấp hành viên không nghiên cứu kỹ hồ sơ, hiểu sai đối tượng...);
- Kê biên tài sản không tương ứng với giá trị phải thi hành án;
- Không ra quyết định hoãn thi hành án khi đã có yêu cầu hoãn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Khiếu nại về: Thời hiệu thi hành án; Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ thi hành án; Quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án; Quyết định uỷ thác thi hành án;
- Việc tống đạt các loại giấy tờ thi hành án; tính lãi suất tiền phải thi hành án; Xin hoãn thi hành án, xin thi hành án từng phần;
- Về quyết định cưỡng chế thi hành án; Chi phí cưỡng chế thi hành án; về việc giao, bảo quản tài sản kê biên;
- Về việc thanh toán tiền, tài sản thi hành án không đúng thứ tự, chia tỷ lệ không đúng;
- Về quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
- Về quyết định cưỡng chế giao đồ vật; cưỡng chế trả nhà...
Tuy nhiên, không phải khiếu nại nào cũng đều được cơ quan có thẩm quyền thụ lý, người giải quyết khiếu nại sẽ không thụ lý nếu trường hợp khiếu nại là một trong các nội dung sau đây:
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
- Khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết;
- Người khiếu nại không có năng lực hành vi đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Người đại diện không hợp pháp;
- Thời hiệu khiếu nại, thời hiệu khiếu nại tiếp đã hết;
- Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng;
- Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của tòa án.
Đối với những trường hợp khác không nằm trong các trường hợp nêu trên, người giải quyết khiếu nại phải có trách nhiệm thụ lý đơn khiếu nại.
Thời hiệu khiếu nại
Khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự, qui định về Thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên như sau:
“a) Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
b) Đối với quyết định về áp dụng biện pháp phong toả tài khoản là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định; Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm khác là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
c) Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
d) Đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó”.

* CƯỠNG CHẾ TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Theo khoản 3, điều 3 Luật thi hành án dân sự 2008, người phải thi hành án dân sự là “cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành”, nhà nước khuyến khích người có nghĩa vụ nên chủ động, tự nguyện thi hành án. Tuy nhiên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.
Thuật ngữ “cưỡng chế thi hành án dân sự" là việc Chấp hành viên được giao nhiệm vụ sử dụng quyền năng mà pháp luật trao cho để buộc người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ của họ đối với người được thi hành án mà nghĩa vụ đó đã được ấn định trong Bản án, quyết định đã có hiệu pháp luật. Và hiển nhiên, việc cưỡng chế thi hành án dân sự là trái với ý muốn chủ quan của người phải thi hành án.
Các căn cứ để cưỡng chế thi hành án dân sự
Điều 70 Luật Thi hành án dân sự quy định:
"Căn cứ cưỡng chế thi hành án:
1. Bản án, quyết định;
2. Quyết định thi hành án;
3. Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án."
Theo quy định trên thì để có thể đưa ra cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án phải có đầy đủ các căn cứ đã nêu, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nếu thuộc một trong các trường hợp này, Chấp hành viên chỉ cần căn cứ vào Bản án, quyết định và quyết định thi hành án để tổ chức cưỡng chế và xử lý mà không cần ban hành quyết định cưỡng chế vì theo Điều 127 Luật Thi hành án dân sự đã quy định: "Chấp hành viên xử lý theo quy định tại các điều 98, 99, 100 và 101 của Luật này đối với tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án."
Một số nguyên tắc khi áp dụng biện pháp cưỡng chế
Thứ nhất, tài sản bị cưỡng chế phải có giá trị ước tính tương xứng với nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án. Khoản 1 Điều 8 Nghị đinh 58/2009 /NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành dân sự về thủ tục thi hành án dân sự: “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án”
Thứ hai, Chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế đã được pháp luật quy định. Nguyên tắc này nhằm chỉ rõ cho Chấp hành viên phạm vi các biện pháp cưỡng chế mà Chấp hành viên được lựa chọn căn cứ vào đặc điểm nghĩa vụ của người phải thi hành án.
Theo Điều 71 Luật Thi hành án dân sự quy định thì có 6 biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, bao gồm:
"1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định".
Để giải quyết một việc thi hành án nhất định, Chấp hành viên có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế cùng một lúc trong số các biện pháp cưỡng chế đã được quy định ở trên. Đối với từng loại nghĩa vụ và từng đối tượng cưỡng chế khác nhau, Luật thi hành án dân sự đã dành từ mục 3 đến mục 10 để quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành cưỡng chế rất chi tiết và đầy đủ. Đây có thể nói là một thuận lợi rất lớn cho Chấp hành viên trong việc tổ chức thực hiện.
Thứ ba, Không tổ chức cưỡng chế trong một số thời điểm nhất định.
Nguyên tắc này đã được thể chế rõ ràng trong khoản 2 Điều 8 Nghị định số 58:
"Ngoài những trường hợp do Luật thi hành án dân sự quy định, cơ quan thi hành án dân sự không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời hạn 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án."
Nguyên tắc này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, đặc điểm của những ngày này là thời gian nhạy cảm hoặc là những ngày truyền thống đã được công nhận. Ví dụ ngày 27/7 nếu đối tượng phải thi hành án là thương binh, ngày 22-12 nếu đối tượng phải thi hành án là quân nhân ....
Ngoài ra, mặc dù pháp luật không có quy định nhưng Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản hướng dẫn và Chấp hành viên khi tổ chức cưỡng chế cũng cần lưu ý tránh những ngày diễn ra các sự kiện lớn hoặc có tầm ảnh hưởng ở địa phương hoặc trên toàn quốc như ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, ngày Đại hội Đảng ... để tổ chức cưỡng chế.
Ls Trần Xuân Tiền

Bài viết phổ biến