Saturday, June 18, 2016

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ 1966 VỀ QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ 1966 VỀ

QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt là ICCPR, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1966), là điều ước quốc tế quan trọng nhất bảo vệ và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị của mọi cá nhân trong cộng đồng nhân loại. Công ước này, cùng với Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (1948, viết tắt là UDHR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966, viết tắt là ICESCR) hợp thành một “bộ luật nhân quyền quốc tế”. Đến nay đã có hai Nghị định thư bổ sung cho ICCPR liên quan đến giải quyết khiếu nại cá nhân và bãi bỏ hình phạt tử hình.

Hiến chương của Liên Hợp Quốc ra đời ngày 26/6/1945 với những quy định cụ thể về việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, lần đầu tiên đã gián tiếp thừa nhận nguyên tắc cá nhân cũng là chủ thể tham gia các quan hệ của luật quốc tế, khẳng định việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một trong những mục tiêu hoạt động của tổ chức liên chính phủ lớn và có quyền lực nhất trên thế giới này; xác lập những nguyên tắc và khuôn khổ thiết chế cơ bản cho một cơ chế toàn cầu về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Nên có thể coi đây là văn kiện đã xác lập nền tảng của luật quốc tế về quyền con người. 

Ý tưởng về việc xây dựng Bộ luật quốc tế về quyền con người nảy sinh và được triển khai ngay sau khi thông qua Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945. Một Ủy ban trù bị (Preparatory Commission) của Liên Hợp Quốc về vấn đề này đã được triệu tập ngay sau khi kết thúc Hội nghị San Francisco và đã khuyến nghị Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC) nhanh chóng thành lập một ủy ban về thúc đẩy

quyền con người dựa trên nội dung của Điều 68 Hiến chương. Trên cơ sở khuyến nghị này, ECOSOC đã thành lập Ủy ban Nhân quyền (Commission on Human Rights) vào đầu năm 1946.

Ngày 10/12/1948, theo Nghị quyết 217 A(III), Đại hội đồng đã thông qua bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights - UDHR) lần đầu tiên xác định một tập hợp những quyền và tự do cụ thể, cơ bản của con người trên tất cả các phương diện chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa. Đại hội đồng đã yêu cầu ECOSOC tiếp tục ưu tiên soạn thảo một công ước về nhân quyền và các biện pháp để áp dụng nó. ECOSOC chuyển nghị quyết này đến Ủy ban Nhân quyền bằng Nghị quyết 191 (VIII) ngày 9/02/1949.

Sau những cuộc tranh luận kéo dài mang đậm tính chất thức hệ chính trị giữa các nước thành viên trong các năm 1951-1952, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã yêu cầu Ủy ban Nhân quyền “soạn thảo hai công ước về quyền con người, một đề cập đến các quyền dân sự, chính trị, cùng với một đề cập đến các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa”. Các cuộc thảo luận diễn ra đúng kế hoạch, tuy nhiên, phải đến năm 1966 mới kết thúc và hai công ước mới được thông qua bằng Nghị quyết 2200A (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hai Công ước ICCPR và ICESCR cùng với UDHR thường được gọi chung là Bộ luật quốc tế về quyền con người (the International Bill of Human Rights). 

Công ước Quốc tế về các quyền dân sự – chính trị năm 1966 là một công ước quan trọng vì nó quy định những quyền cơ bản nhất của con người. Thực hiện và đảm bảo quyền dân sự, chính trị tức là đã đáp ứng được quyền tự do, lợi ích của cá nhân. Kể từ khi được thành lập, Công ước Quốc tế năm 1966 đã giữ vị trí rất quan trọng và có tác động lớn đến luật pháp thế giới nói chung và ngành luật Dân sự của từng nước tham gia ký kết nói riêng, tạo nền móng của tự do, công lý và hoà bình thế giới.

Bài viết phổ biến