Bài viết ngắn dưới đây giới thiệu những nét cơ bản nhất về tổ chức chính quyền trung ương thời Nguyễn như những định hướng ban đầu để khi có điều kiện, sinh viên tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu kĩ hơn.
--------------------
1. Tình hình lịch sử
Thuận lợi lớn nhất thời kỳ này là đất nước rất rộng và giàu tiềm năng. Tuy nhiên điểm hạn chế đó là khi lên nắm quyền, nhà Nguyễn đã không được người dân ủng hộ, do chống lại phong trào Tây Sơn, phong trào khởi nghĩa của nông dân cùng chính sách trả thù rất tàn bạo.
2. Tổ chức chính quyền trung ương
Đứng đầu là vua (Hoàng đế) nắm mọi quyền hành trong tay, dưới vua là Lục bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công) do Thượng thư đứng đầu, có các Tham tri, thị lang giúp việc.
Dưới các Bộ có Lục Khoa (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công) do Cấp sự trung đứng đầu và Lục Tự (Thái thường, Đại lý, Quang lộc, Hồng lô, Thái bộc, Thượng bảo) do Tự khanh đứng đầu chuyên trách từng việc, chịu trách nhiệm trước vua. Khoa có nhiệm vụ và quyền hạn kiểm soát công việc của các Bộ và các cơ quan nhà nước khác ở trung ương. Ngoài các Bộ, Khoa, Tự còn có các cơ quan chuyên môn gọi là Viện, Giám, Ty, Phủ. (Gồm có: Hàn lâm viện coi việc biên soạn, thảo văn từ, sắc, mệnh của vua, thảo luận kinh điển. Quốc tử giám: coi việc dạy kinh sách, đào tạo nhân tài... Khâm thiên giám trông coi việc quan sát tinh tú, khí tượng, làm lịch. Thái y viện nghiên cứu việc trị bệnh tật, thuốc thang chủ yếu để phục vụ nhà vua và hoàng tộc...). Ngoài ra còn có các cơ quan chuyên trách như Viện cơ mật, Tôn nhân phủ, Quốc sử quán, Thái sư viện.
Vua Nguyễn có quyền quyết định tối hậu về mọi việc đối nội, đối ngoại. Nhằm tập trung quyền hành, nhà vua không đặt Tể tướng để dễ thoán đoạt ngôi vua, hoặc lạm quyền.
Đối với những việc thuộc thẩm quyền, các Bộ được tùy lệ chiếu biện. Khi gặp những việc trọng đại tâu Vua để xin chỉ thị hoặc soạn thảo trước lời dụ trình lên Vua để xin ban hành.
Các cơ quan khác như TỰ, VIỆN, PHỦ, GIÁM, TY là những cơ quan thuần túy có tính chất chấp hành.
Hoạt động của Triều đình gồm có Phiên triều và Hội đồng đình thần.
Phiên triều thì gồm có Phiên đại triều và Phiên thường triều. Phiên đại triều họp trong những trường hợp long trọng đặc biệt.
Hội đồng Đình thần gồm có hai định chế là Công đồng và Đình Nghị. Thời vua Gia Long là hình thức Công Đồng. Thời Minh Mạng gọi là Đình Nghị.
+ Công đồng: Thực chất đây là cơ quan hành pháp đồng thời là cơ quan tư pháp cao nhất nước ta thời bấy giờ. Đây là cơ quan nắm quyền giải quyết hầu hết mọi việc trong nước, có quyền phúc thẩm tất cả các bản án do các nha môn địa phương tuyên xử. Sở dĩ đây là cơ quan hành pháp và tư pháp cao nhất thời kỳ đó vì đây là cơ quan duy nhất được nhà Vua trao cho quyền nhân danh Hoàng đế để tự hành sự, sau khi Hội đồng đã quyết định vấn đề gì ĐƯỢC PHÉP ĐEM QUYẾT ĐỊNH ĐÓ THI HÀNH NGAY KHÔNG CẦN TRÌNH HOÀNG ĐẾ DUYỆT Y.
+ Đình nghị: Những việc nước quan trọng đều được giao cho Hội đồng đình thần thảo luận và quyết nghị, nhưng quyền quyết định tối hậu vẫn thuộc về Hoàng Đế. Lúc họp nếu ai có ý kiến giống nhau đều kí tên vào bên nghị sách, ai có ý kiến phản đối phải nêu rõ lý do đó trong một nghị án riêng.
3. Đặc trưng tổ chức chính quyền trung ương thời Nguyễn:
Thứ nhất, nhà vua không chia sẻ quyền lực với bất cứ thế lực nào: nhà vua lập ra tứ bất (không lập Tể tướng; không lập Hoàng hậu; không lấy Trạng nguyên; không phong vương trừ những người trong hoàng tộc).
Thứ hai, đây là thời kỳ lãnh thổ rất rộng lớn, nhà Nguyễn đã chọn Huế là kinh sư (trung tâm), xây dựng mô hình quản lý theo hướng tản quyền; đề cao Nho giáo, coi đó là hệ tư tưởng hữu hiệu nhất; đặt ra nhiều định chế điều tiết quyền lực tiến bộnhư: định chế cộng đồng: (một tháng có 4 ngày cho họp các quan từ tứ phẩm trở lên để góp ý về ý kiến của vua mà không bị trừng phạt) và chế độ đình nghị (các quan từ lục phẩm trở lên góp ý trực tiếp).
Thứ ba, pháp luật thời kỳ này được xây dựng và thi hành nhằm tập trung quyền lực vào tay Hoàng đế. Bộ luật Gia Long (hay còn gọi là Bộ hoàng việt luật lệ) là một Bộ luật bảo vệ tối đa việc tập trung quyền lực của nhà Nguyễn. Bộ luật Gia Long mặc dù ra đời sau nhiều bộ luật thành văn khác trong lịch sử nhưng thực chất lại là bộ luật mô phỏng luật nhà Thanh (phản ánh ý nguyện chủ quan). Rất nhiều những quy định tiến bộ của Bộ luật Hồng Đức phản ánh đặc trưng văn hoá dân tộc đã không được kế thừa và phát huy trong Bộ luật này. Chính vì là một Bộ luật phần lớn phải sao chép từ luật nhà Thanh, do vậy, nó không phải là Bộ luật được nhiều nhà sử học hay luật học đánh giá cao.
4. Liên hệ tình hình thế giới:
Thời kỳ này ở Tây Âu đã có những cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật vĩ đại. Từ những thế kỷ trước nhiều quốc gia đã tiến hành thành công cuộc cách mạng tư sản, thực chất phương thức sản xuất của các quốc gia này đã vượt xa những quốc gia phương Đông nói chung, trong đó có Việt Nam.
Ở châu Á, duy nhất có Nhật Bản kịp tiến hành các cuộc cải cách, học hỏi mô hình của các nước phương Tây để canh tân đất nước nên đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Sự kháng cụ yếu ớt của nhà Nguyễn một mặt là do cách quản lý không được lòng dân, mặt khác nó cũng phản ánh sự thất bại của một phương thức sản xuất phong kiến và lối tư duy quản lý đã quá lạc hậu so với các nước Tây Âu thời bấy giờ.
ThS. Nguyễn Minh Tuấn
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội