Sunday, May 29, 2016

Sách: “ Nhà nước và pháp luật Triều Hậu Lê với việc bảo vệ quyền con người”

Tác giả: TS. Nguyễn Minh Tuấn – TS. Mai Văn Thắng (Đồng chủ biên)
Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm xuất bản: 2014
Khổ: 16x24 cm
Số trang: 366 trang, bìa mềm
Giá 105.000 vnđ
Trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Việt Nam thời trung đại nói riêng, triều Hậu Lê (1428 – 1789) lâu nay vẫn được đánh giá là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất. Đây là giai đoạn lịch sử đã để lại nhiều dấu ấn, thành tựu quan trọng nhất về phương diện cải cách kinh tế, giáo dục và đặc biệt là về phương diện tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật và bảo vệ quyền con người.
Thành tựu đặc sắc bậc nhất về pháp luật trong lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam thời trung đại chính là Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) và Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ triều Hậu Lê. Đây là những Bộ luật phản ánh trung thực, rõ nét nhất trạng thái chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt triều Hậu Lê. Những Bộ luật này đã trở thành khuôn mẫu cho các triều đại sau với nhiều lần được bổ sung, sửa chữa. Trong hoàn cảnh và trình độ pháp lý của thời kỳ này, tính chất hoàn thiện, hệ thống, phong phú, nhưng cũng rất chặt chẽ, cụ thể của Quốc Triều Hình Luật triều Hậu Lê, Bộ Quốc Triều Khám Tụng điều lệ hàm chứa nhiều giá trị kế thừa từ kỹ thuật lập pháp đến việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong các chế định thuộc lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính và tố tụng.
Có thể nói việc nghiên cứu nhà nước và pháp luật triều Hậu Lê, qua đó chỉ ra những giá trị đương đại, những giá trị cần tham khảo, kế thừa vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền trong giai đoạn hiện nay có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc nghiên cứu, kế thừa những giá trị lịch sử - pháp lý triều Hậu Lê chắc chắn sẽ góp phần tích cực, tạo điều kiện cho việc phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả giáo dục, thực thi pháp luật, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Do ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề, nên việc nghiên cứu về nhà nước và pháp luật triều Hậu Lê đã được nghiên cứu khá sớm ở nước ta.
Chúng tôi hi vọng cuốn sách chuyên khảo này sẽ là một tài liệu hữu ích với các giảng viên, học viên và sinh viên trong giảng dạy, nghiên cứu về nhà nước và pháp luật triều Hậu Lê với việc bảo vệ quyền con người.

Cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1. Triều Hậu Lê với việc bảo vệ quyền con người trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam
1.1.         Triều Hậu Lê  - triều đại đạt được nhiều thành tựu về bảo vệ quyền con người trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam
1.2.         Tư tưởng về nhà nước và pháp luật triều Hậu Lê
1.3.         Bối cảnh, tình hình chung và các chính sách của triều Hậu Lê với việc bảo vệ quyền con người
1.4.         Khái quát về tổ chức nhà nước triều Hậu Lê
1.5.         Khái quát về những thành tựu pháp luật triều Hậu Lê
Chương 2. Tổ chức nhà nước triều Hậu Lê với việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người
2.1. Bảo vệ quyền con người bằng cơ chế giám sát quyền lực trong nhà nước triều Hậu Lê
2.2. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người bằng thiết chế tự quản – tự trị làng xã
2.3. Đánh giá chung về tổ chức nhà nước triều Hậu Lê trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người
Chương 3. Pháp luật triều Hậu Lê với việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người
3.1. Quốc triều hình luật – văn bản pháp luật tổng hợp ghi nhận và bảo vệ quyền con người
3.2. Quốc triều khám tụng điều lệ - văn bản bảo vệ quyền con người trong hoạt động tố tụng
3.3. Đánh giá chung về pháp luật triều Hậu Lê trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người

Bài viết phổ biến